Chuyện kể rằng vào một buổi sáng nọ, Thành Cát Tư Hãn và các thuộc hạ của ông đi săn. Thành Cát Tư Hãn mang theo trên cánh tay của ông con chim ưng mà ông yêu quý. Đã đến trưa mà không săn được gì cả, Thành Cát Tư Hãn quay lại chỗ cắm trại, và để khỏi phải cáu kỉnh với đám thuộc hạ, ông rời nhóm, cỡi ngựa đi một mình.
Trong sức nóng của mùa Hè, ông khát nước nhưng mọi dòng suối đều khô cạn. Thế rồi, ông ngạc nhiên nhìn thấy một dòng nước nhỏ chảy ra từ một tảng đá ngay trước mặt ông.
Ông lấy ra chiếc cốc bằng bạc ra hứng dòng nước ấy. Thật lâu nước mới chảy đầy cốc và ngay khi ông đưa chiếc cốc lên môi thì con chim ưng bay lên giật chiếc cốc rồi ném nó xuống đất.
Thành Cát Tư Hãn giận lắm, nhưng vì con chim ưng rất được ông yêu quý nên ông cúi xuống nhặt chiếc cốc lên lau sạch bụi và lại hứng nước. Khi nước chỉ mới được nửa cốc, con chim ưng lại lao đến tấn công làm đổ nước.
Lần này, ông rút kiếm ra khỏi vỏ, nhặt chiếc cốc và lại hứng nước, vừa canh chừng dòng nước, vừa để ý đến con chim ưng. Ngay lúc ông hứng vừa gần đầy cốc thì con chim ưng lại lần thứ ba bay lên và lao về phía ông. Thành Cát Tư Hãn với một nhát kiếm đã đâm thủng lồng ngực con chim.
Dòng nước kia đã khô cạn. Thành Cát Tư Hãn leo lên tảng đá để tìm nguồn suối khác. Ông kinh ngạc khi thấy có một vũng nước, và ngay giữa vũng nước đó là xác một con rắn độc nhất của miền đất này.
Nếu ông lỡ uống nước đó, chắc hẳn ông đã chết rồi. Thành Cát Tư Hãn quay hối hận vô cùng đến ngay con suối lúc nãy ôm xác của con chim ưng mang về trại.
Ông ra lệnh làm một bức tượng chim bằng vàng. Trên một cánh chim, ông khắc dòng chữ:
“Thậm chí khi một người bạn làm điều gì đó anh không vừa lòng, người đó vẫn cứ là bạn của anh”.
Và trên cánh bên kia, ông khắc dòng chữ:
“Bất cứ phản ứng nào được thực hiện trong cơn giận dữ đều là hành động đưa đến sự thất bại”.